Sóc Trăng thắng lợi trong vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020
Hơn mười năm qua, tỉnh Sóc Trăng xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó đi đầu là nghề nuôi tôm xuất khẩu. Nghề này tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các nhà máy chế biến thủy sản. Điều này đã làm thay đổi bộ mặt của hàng chục xã ven biển.
Năm 2020, Sóc Trăng trúng mùa tôm
Năm nay, dù là một năm đầy thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Giá tôm nguyên liệu trong nước giảm, thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, vụ nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng vẫn đạt kết quả phấn khởi. Do đó việc xuất khẩu tôm sang nhiều thị trường tăng trưởng mạnh.
Thành tích
Theo sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng, vụ nuôi tôm nước lợ năm nay, tỉnh thả nuôi hơn 51.000 ha, đạt gần 103% kế hoạch. Trong đó tôm thẻ chân trắng hơn 37.000 ha, chiếm 72% diện tích thả nuôi, còn lại là tôm sú. Diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chiếm hơn 94%. Sản lượng đạt gần 188.000 tấn, vượt 12,5% kế hoạch, cao hơn 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, diện tích tôm thiệt hại được khống chế ở mức dưới 10% diện tích thả nuôi. Đây là những con số hết sức khả quan.
Yếu tố tạo nên thắng lợi của vụ nuôi tôm nước lợ năm nay
Ngành nông nghiệp thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý
Theo nhận định của ngành chuyên môn và người nuôi, thắng lợi của vụ nuôi tôm nước lợ năm nay là nhờ vào nhiều yếu tố. Trong đó, ngành nông nghiệp thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý. Bên cạnh đó là sự nỗ lực, sáng tạo của người dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Người nuôi ý thức trong vấn đề chọn con giống chất lượng, cải tạo ao nuôi kỹ trước vụ nuôi. Việc áp dụng các mô hình nuôi tôm lót bạt, nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, tuân thủ lịch mùa vụ, …cũng góp phần không nhỏ.
Quản lý tốt mô hình nuôi tôm nước lợ theo khung mùa vụ
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng, năm 2021, tỉnh đặt kế hoạch thả nuôi tôm nước lợ 51.000 ha. Sản lượng ước đạt 172.000 tấn. Để đạt được chỉ tiêu này, ngành nông nghiệp Sóc Trăng tiếp tục quản lý tốt mô hình nuôi tôm nước lợ theo khung mùa vụ.
Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn các mô hình hiệu quả, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Các sở, ban ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Từ đó phát hiện và kiên quyết xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi bơm, chích tạp chất vào tôm nguyên liệu… Không những vậy còn đảm bảo quản lý chất lượng vật tư đầu vào lưu thông trên thị trường.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã cho biết: “Trong vụ nuôi 2021, ngành tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn để chủ động làm sao mùa vụ tôm 2021 đạt hiệu quả từng thời điểm xuống giống, cũng như là quản lý, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân để làm sao năm 2021 tiếp tục là năm thành công như năm nay…”.
Tin rằng với phương pháp quản lí phù hợp và kinh nghiệm dày dặn, năm 2021 lại là một năm thành công của người nuôi tôm ở Sóc Trăng.
Nguồn: vov.vn