Học chuyên gia cách phòng chống cúm gia cầm hiệu quả
Cúm gia cầm là một trong những loại dịch bệnh có tốc độ lây lan nhanh nhất. Chính điều này đã làm chết hàng loạt loài gia cầm khác nhau. Dịch bệnh nay gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng và to lớn đến kinh tế của người chăn nuôi. Đồng thời sức khỏe cộng đồng và các vấn đề an sinh xã hội cũng bị đe dọa và ảnh hưởng không ít.
Môi trường bị ô nhiễm nặng nề, diễn biến thời tiết, khí hậu phức tạp, điều này đã đặt ra vô vàn mối nguy hiểm đối với đàn gia cầm. Đây được coi là tiền đề tốt để dịch bệnh bùng phát trở lại. Vấn đề đặt ra không chỉ với các cơ quan chức năng, sở, ban, ngành. Nó ảnh hưởng trực tiếp là những người chủ trang trại. Vì vậy cần phải chủ động phòng, ngừa dịch bệnh bằng các biện pháp được khuyến cáo.
Trong đó, có thể kể đến như: tiêm phòng vaccine cúm gia cầm; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại; nâng cao sức đề kháng cho con vật thông qua việc bổ sung khoáng chất, vitamin,… qua đường ăn uống; kiểm dịch động vật từ việc chọn mua gia cầm;…
Tiêm vaccine phòng chống cúm gia cầm
Để phòng chống bệnh cúm gia cầm có hiệu quả, một trong những phương pháp hiệu quả nhất hiện nay là thực hiện tiêm phòng vaccine cúm gia cầm. Đây là biện pháp rất quan trọng để tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm. Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội chia sẻ.
Việc tiêm phòng cúm gia cầm bà con cần tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Lưu ý, khi sử dụng vaccine phải đảm bảo việc bảo quản. Cùng với liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi tiêm phòng xong cần cho gia cầm ăn uống tốt để nâng cao sức đề kháng. Nâng cao hiệu giá kháng thể, tạo miễn dịch tốt cho con vật.
Vệ sinh chuồng trại để hạn chế mầm bệnh
Song song với đó, cần phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, dụng cụ, trang thiết bị chăn nuôi 1-2 lần/tuần bằng các loại hoá chất. Có thể dùng Chloramin B, Benkocid, Iodine,… Trong quá trình sử dụng các loại thuốc sát trùng nên đổi thuốc sát trùng để tránh hiện tượng nhờn thuốc. Dùng vôi bột rắc xung quanh khu vực chuồng nuôi, hệ thống cống rãnh, khu vực có người qua lại.
Việc dùng vôi bột còn có tác dụng hạn chế và ngăn chặn côn trùng và gia súc qua lại. Tránh làm lây lan dịch bệnh giữa các chuồng nuôi, các khu vực chăn nuôi. Đây là biện pháp khử trùng tiêu độc đơn giản dễ làm nhưng hiệu quả rất cao. Người chăn nuôi nên thực hiện tốt phương pháp này.
Với hệ thống thoát nước thải, có thể dùng vôi bột cho vào bao tải để hệ thống nước thải chảy qua. Đây cũng là biện pháp rất tốt để khử trùng, tiêu độc ngăn chặn mầm bệnh. Thu gom chất độn chuồng, chất thải chăn nuôi để ủ phân theo phương pháp nhiệt sinh học. Hoặc xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Đảm bảo vệ sinh môi trường. Sau mỗi đợt chăn nuôi phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và để trống chuồng 2-3 tuần nhằm phá vỡ vòng luân chuyển của mầm bệnh.
Nâng cao sức đề kháng cho gia cầm
Ngoài ra, phương pháp nâng cao sức đề kháng cho con vật kháng bệnh cũng là cách hiệu quả phòng bệnh cúm gia cầm. Để làm tốt giải pháp này cần lưu ý về chuồng nuôi phù hợp với lứa tuổi. Giống gia cầm, đảm bảo về nhiệt độ, mật độ nuôi.
Thức ăn cho gia cầm phải được nhập từ cơ sở có uy tín, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Không sử dụng thức ăn ẩm mốc, kém chất lượng, từ vùng có dịch bệnh hoặc từ cơ sở không rõ nguồn gốc. Nước uống cho gia cầm phải đảm bảo sạch sẽ. Bổ sung khoáng chất, vitamin, men tiêu hóa , các thuốc trợ sức, trợ lực định kỳ.
Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe, bệnh dịch của đàn gia cầm. Khi có gia cầm ốm hoặc chết phải cách ly ngay khỏi đàn để hạn chế bệnh dịch lây lan và báo cho cán bộ thú y để có biện pháp phòng bệnh, xử lý ổ dịch kịp thời.
Làm tốt công tác kiểm dịch
Giải pháp cuối cùng mà chuyên gia khuyến cáo tới người nuôi là cần làm tốt công tác kiểm dịch động vật, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào khu vực chăn nuôi. Khi chọn mua gia cầm cần thực hiện tốt việc nhập ở những cơ sở uy tín, đủ điều kiện, cơ sở đã xây dựng an toàn dịch bệnh. Khi nhập từ các tỉnh thành về phải đảm bảo có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật theo quy định của pháp luật.
Gia cầm mua về phải nuôi cách ly trong thời gian 2-3 tuần để theo dõi, xử lý khi gia cầm có biểu hiện bất thường và ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, dụng cụ, phương tiện vận chuyển ra, vào khu vực chăn nuôi. Tuyệt đối không bán chạy khi thấy gia cầm ốm hoặc chết, không vứt xác gia cầm chết bừa bãi. Xác gia cầm chết phải được chôn sâu, rải vôi bột hoặc phun hóa chất tiêu độc khử trùng theo quy định thú y.
Chủ động trang bị kiến thức về cúm gia cầm
Ngoài ra, người chăn nuôi cần tìm hiểu cách nhận biết, phát hiện sớm về những dấu hiệu của cúm gia cầm. Khi thấy đàn gia cầm có biểu hiện bệnh không bình thường, con vật bỏ ăn, gia cầm chết đột ngột, hàng loạt, tỷ lệ chết có thể lên đến 100% chỉ trong vài ngày. Kèm theo đó là biểu hiện chảy nước mắt, nước dãi, lông xù, uể oải, ít đi lại, đầu gật gù, gục xuống đất. Gia cầm khó thở, phù đầu và mặt, mắt đỏ; mào và tích sưng to, da tím tái; da chân xuất huyết tím thành vệt (triệu chứng điển hình). Đi kèm tiêu chảy nặng, phân xanh vàng, với gia cầm sinh sản thấy giảm đẻ.
Khi phát hiện triệu chứng trên người chăn nuôi cần báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Khi có kết quả dương tính với cúm gia cầm, tiến hành tiêu hủy gia cầm theo quy định. Biện pháp tốt nhất là tiêu hủy tại chỗ để tránh lấy nhiễm sang các hộ xung quanh. Việc tiêu hủy gia cầm bệnh phải thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
>> Xem thêm: Thị trường – tiêu dùng
Nguồn: danviet.vn