Tiêm Vaccine cho gia cầm và những điều bạn cần biết
Như chúng ta đã biết, tiêm vaccine cho gia cầm, gia súc được dùng để phòng tránh các bệnh lây lan. Sau khi tiêm vaccine một thời gian nhất định, động vật mới có miễn dịch. Vì vậy, bạn cần lựa chọn vaccine phù hợp và sử dụng đúng cách. Đây là nhiệm vụ hàng đầu và là biện pháp cơ bản quan trọng trong quy trình phòng bệnh cho vật nuôi được nhà nước đặt ra.
Tuy nhiên, trên thực tế, ở một số địa phương, vấn đề này chưa được thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật. Không chỉ với cán bộ thú y cơ sở mà còn ở cả người chăn nuôi. Chính điều này đã gây ra những khó khăn trong việc phòng chống dịch bệnh. Từ đó tạo nên những thiệt hại vô cùng to lớn, mà người ảnh hưởng trực tiếp là những người chủ trang trại.
Thấu hiểu những mất mát và nỗi lo của người dân, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn Hải Phòng đã đề nghị các địa phương, đơn vị tổ chức nhanh chóng triển khai kế hoạch tiêm phòng gia súc, gia cầm. Cùng với hướng dẫn từ đội ngũ chuyên môn để hỗ trợ một cách tối đa hiệu quả của công tác tiêm phòng.
Bằng việc tiêm vaccine gia cầm, các hộ dân có thể yên tâm hơn trong mùa dịch bệnh. Khi đó đàn gia cầm được bảo vệ bằng lớp miễn dịch.
Cách sử dụng các loại vaccine tiêm cho gia súc, gia cầm
Các loại vaccine được hướng dẫn rất đa dạng. Trong đó có vaccine phòng bệnh tai xanh; phòng bệnh lở mồm, long móng; phòng bệnh dịch tả lợn; phòng bệnh tụ huyết trùng và đóng dấu lợn. Bên cạnh đó còn có phòng bệnh tụ huyết trùng – phó thương hàn. Các vaccine phòng bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò. Đối với vaccine gia cầm có vaccine phòng bệnh Niu-cát-xơn (bệnh gà rù). Đồng thời có vaccine phòng bệnh dịch tả vịt; vaccine cúm gia cầm.
Vaccine phòng bệnh cho trâu bò, lợn
Đối với vaccine phòng bệnh tai xanh, loại vaccine được sử dụng là loại nhược độc phòng bệnh tai xanh ở lợn – chủng JXA1 – R. Đối tượng tiêm phòng đó là lợn từ 30 ngày tuổi trở lên, lợn nái, lợn đực giống. Khi tiêm cho lợn, người tiêm sẽ tiêm vào bắp sâu sau vành tai với liều lượng 2ml/con. Sau đó cứ 5 tháng tiêm nhắc lại một lần với liều 2ml/con.
Nên tiêm phòng vaccine tai xanh trước khi tiêm vaccine dịch tả lợn. Đối với việc phòng bệnh tụ huyết trùng và đóng dấu lợn, sử dụng vaccine kép tụ huyết trùng – đóng dấu lợn nhược độc, đông khô để phòng bệnh. Đối tượng tiêm phòng lợn nái, đực giống. Loại vaccine này tiêm bắp hoặc tiêm dưới da. Vị trí tốt nhất là tiêm dưới da sau gốc tai). Với liều 01ml/con và sau 5 tháng cũng tiêm nhắc lại 1 lần.
Vaccine tiêm phòng tụ huyết trùng ở trâu, bò sử dụng tiêm cho trâu, bò, bê, nghé từ 6 tháng tuổi trở lên. Với đối tượng này sử dụng với liều lượng 02ml/con. Tiêm nhắc lại 1 lần nữa sau 5 tháng. Tiêm bắp hoặc dưới da.
Vaccine phòng bệnh dịch tả vịt
Tiêm vaccine cho gia cầm phòng bệnh dịch tả vịt sử dụng cho vịt từ 2 tuần tuổi trở lên với liều lượng 0,5ml/con. Khi tiêm, tiêm ở vị trí dưới da cổ, mặt trong đùi hoặc bắp thịt ức. Vịt nuôi thịt và vịt đẻ có lịch tiêm phòng cụ thể khác nhau. Với vịt nuôi lấy thịt tiêm 2 lần. Lần đầu lúc vịt 2 tuần tuổi và sau 2 – 3 tuần tiêm lần 2.
Còn với vịt đẻ, 2 lần đầu tương tự vịt nuôi thịt, lần 3 tiêm vào lúc vịt được 5 tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc lại trước mỗi vụ đẻ kể tiếp. Chú ý, vaccine sau khi pha phải được bảo quản trong lạnh và tránh ánh sáng mặt trời, dùng hết trong vòng 2 – 3 giờ.
Vaccine cúm gia cầm
Vaccine cúm gia cầm, loại vaccine sử dụng là H5N1 vô hoạt chủng Re6. Loại này dùng tiêm phòng cho vịt, ngan từ 14 ngày tuổi trở lên. Vịt từ 14 – 35 ngày tuổi, tiêm mũi thứ nhất 0,5ml/con, sau 28 ngày nhắc lại mũi 2 với liều 1ml/con và sau đó cứ 5 tháng tiêm nhắc lại 1 lần với liều 1ml/con.
Với vịt trên 35 ngày tuổi, tiêm mũi 1 liều lượng 1ml/con, sau 28 ngày tiêm nhắc lại mũi 2 với liều 1ml/con và cũng sau đó cứ 5 tháng tiêm nhắc lại 1 lần với liều 1ml/con.
Ở ngan cũng cùng ngày tuổi như ở vịt. Ngan từ 14 – 35 ngày tuổi mũi 2 liều lượng cao hơn là 1,5 ml/con và ngan trên 35 ngày tuổi tất cả các mũi đều tiêm liều lượng 1,5 ml/con/mũi tiêm. Khi tiêm loại vaccine cúm gia cầm cho ngan, vịt tiêm dưới da cổ ở 1/3 phía trên gần thân hoặc tiêm bắp thịt phần trên của cơ ngực
>> Xem thêm: Thị trường – Tiêu dùng
Nguồn: danviet.vn