Quy Trình Chăm Sóc Ngỗng Thịt Theo Từng Giai Đoạn
Tuy không được nuôi dưỡng phổ biến như các loại gia cầm như gà vịt nhưng ngỗng vẫn là loài vật nuôi quen thuộc ở vùng đồng bằng Nam Bộ. Là loại nguyên liệu không thể thiếu để chế biến những món ăn đặc trưng của vùng miền. Ngỗng thường được nuôi theo quy mô nhỏ ở hộ gia đình để làm thức ăn hoặc cho trứng. Với quy mô hạn chế nên quy trình nuôi ngỗng thường tự phát, người nuôi không có đủ kiến thức về việc phải nuôi ngỗng thịt như thế nào trong từng giai đoạn phát triển của chúng. Nếu muốn nuôi với quy mô lớn mang lại nguồn lợi kinh tế lớn thì cần tối ưu hóa quy trình nuôi. Lợi ích của việc này nhằm tập trung số lượng ngỗng thịt, dễ quản lí chăm sóc và năng suất cho thịt cao hơn.
Bí quyết chọn ngỗng làm giống
Có nhiều giống ngỗng: ngỗng trắng, ngỗng xám vằn, loại chân thấp, chân cao… Nếu nuôi ngỗng đàn, nên chọn ngỗng xám vằn, chân to, đi khoẻ, chịu kiếm ăn.
Ngỗng mới nở chọn con có bộ lông mịn, sáng, lỗ hậu môn gọn, khô, mắt sáng, nhanh nhẹn, ăn uống bình thường.
Nếu nuôi ngỗng cái đẻ, nên chọn con có mắt đen, to, sáng, cổ nhỏ dài, ngực gọn mình dài, bụng dưới nở nang, phao câu to, những con này mắn đẻ, ấp khéo. Đối với ngỗng đực nuôi làm giống thì chọn những con có cổ ngẩng cao, ngực nở, hai chân cao, thân mình dài cá trắm, lỗ hậu môn màu hồng.
Việc chọn giống ban đầu gắn liền với mục đích nuôi ngỗng. Cần lựa chọn, tham khảo kinh nghiệm từ nhiều nguồn để có hạn chế những vấn đề đáng tiếc xảy ra trong tương lai.
Thời kỳ ngỗng con
Là thời gian từ khi nở đến 30 ngày tuổi. Đây là thời gian đòi hỏi phải chăm sóc cẩn thận. Ngỗng mới nở còn yếu, ăn uống chưa quen, khả năng thích ứng kém.
Trong tuần lễ đầu, ngỗng còn yếu, chưa cho ngỗng ra ngoài. Cho ăn bột ngô, gạo, mỳ… trộn với rau tươi rửa sạch thái nhỏ (ngỗng thích ăn rau diếp, xà lách). Cho ăn mỗi con 50g thức ăn tinh, 100g rau xanh mỗi ngày chia làm 4 bữa: sáng, trưa, chiều, tối (9 giờ tối). Cho ăn dần từng chút một, ăn xong cho uống nước sạch ngay.
Từ ngày thứ 8 trở đi có thể thả ra bãi cỏ để ngỗng vặt cỏ dại ăn. Từ thời kỳ này, lượng thức ăn cho ngỗng tăng dần: mỗi con cho ăn 70g thức ăn tinh và 120g rau cỏ xanh mỗi ngày.
Từ sau 2 tuần tuổi, giảm bớt tỷ lệ thức ăn tinh và tăng rau cỏ xanh cho ngỗng. Thời kỳ này tập cho ngỗng ăn thêm thóc, khoai băm nhỏ. Làm quen ngỗng với môi trường bằng cách đưa ngỗng chăn thả ở những bãi xa. Giai đoạn ngỗng con kết thúc khi ngỗng được 30 ngày tuổi.
Thời kỳ ngỗng choai
Sau 1 tháng tuổi là thời kỳ ngỗng choai. Ngỗng choai dễ nuôi, mau lớn, phàm ăn và ít bệnh tật. Ngỗng nuôi thịt có thể nuôi chăn thả từ vài chục con đến hàng trăm con. Đàn ngỗng nuôi phải cùng lứa tuổi nhau để chúng có độ đồng đều và dễ chăm sóc. Sau mỗi buổi chăn thả về, nếu vào vụ thu hoạch lúa thì không cần phải cho ngỗng ăn thêm. Sau khi ăn no, ngỗng thích uống nước và bơi lội. Ngỗng choai được tắm và bơi lội sẽ có bộ lông mượt và béo tốt hơn những con ngỗng nuôi không được bơi tắm.
Nếu thời kỳ ngỗng lớn không trùng vào vụ gặt lúa, ngỗng mất đi nguồn thức ăn tự nhiên. Cuối ngày chăn thả về cần cho ăn thêm thóc, cám, ngô, khoai hay sắn băm nhỏ. Nếu có điều kiện thì cho ngỗng ăn thêm bã đậu, cơm rượu hay cám công nghiệp chúng càng mau lớn.
Vỗ béo ngỗng để mau tăng trọng
Tuỳ điều kiện chăm sóc khác nhau mà ngỗng có thể xuất chuồng sau 90 ngày, 120 hay 150 ngày tuổi. Để tăng nhanh trọng lượng ngỗng đồng thời làm tăng chất lượng thịt. Nên tiến hành vỗ béo ngỗng trước khi bán. Nhốt ngỗng vào những ngăn chuồng nhỏ (mỗi ngăn một con) kín gió nhưng thông thoáng. Tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào chuồng, giữ yên tĩnh cho chuồng nuôi. Cho ngỗng ăn tăng thức ăn tinh, giảm vận động. Thời gian vỗ béo 12-15 ngày trước khi bán, không kéo dài hơn tốn thức ăn mà ít hiệu quả.
Việc chuyên môn hóa quy trình chăn nuôi sẽ thu lại lợi nhuận cao hơn cho người nuôi. Đồng thời tiết kiệm được những chi phí phát sinh khác, giảm bớt khó khăn.
Tham khảo:
Nguồn: traigiongthuha.com