Bệnh tụ huyết trùng ở gà – triệu chứng, cách phòng và điều trị
Một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính là bệnh tụ huyết trùng ở gà. Căn bệnh này thường xuất hiện trên gia cầm. Bệnh được gây ra bởi vi khuẩn có tên là Pasteurella multocida. Mọi lứa tuổi gà đều có thể mắc bệnh tụ huyết trùng. Bệnh này có diễn biến bệnh nhanh và gây chết hàng loạt gia cầm.
Nguyên nhân gây ra bệnh tụ huyết trùng ở gà
Nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn Pasteurella multocida. Vi khuẩn này có nhiều chủng và đây là vi khuẩn G-
Gà ở mọi giai đoạn phát triển đều có thể nhiễm bệnh. Bệnh xảy ra đột ngột và có diễn biến cực nhanh. Đặc biệt ở đầu ổ dịch có tỉ lệ chết cao.
Triệu chứng
Vào lúc giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột là thời điểm bệnh dễ bùng phát. Bệnh tụ huyết trùng thường thấy ở gà hai tháng tuổi.
Thể quá cấp tính:
Diễn biến bệnh nhanh đến nỗi chưa kịp nhận thấy rõ triệu chứng. Nếu để ý thì thấy gà ủ rủ nhiều rồi chết 1-2 giờ sau đó
Nhiều trường hợp gà đang ăn thì lăn đùng ra chết. Gà mái lên tổ đẻ và chết luôn trên tổ.
Đối với thể quá cấp tính này, gà thường chết đột ngột, da tím bầm. Nhiều khi có nước nhờn lẫn máu chảy ra từ mũi miệng, tích căng phồng.
Thể cấp tính:
Thể cấp tính khá phổ biến ở gà. Con nhiễm bệnh sốt cao 41-42 độ. Có thể thấy gà ủ rủ, bỏ ăn, xù lông, sã cánh, và đi lại chậm chạp.
Xuất hiện chất nhớt chảy ra từ mũi miệng. Ngoài ra còn có bọt lẫn máu màu nâu sẫm. Giữa thời kì bệnh gà có thể tiêu chảy phân màu trắng hoặc màu nâu.
Gia cầm ngày càng trở nên khó thở, mào yếm tìm bầm. Cuối cùng do ngạt thở mà chết.
Thể mạn tính:
Gà mắc bệnh có hiện tượng viêm khớp, viêm phúc mạc mạn tính. Gà trở nên gầy còm, ủ rủ. Chúng thường xuyên thải ra chất lỏng có bọt màu vàng như lòng đỏ trứng.
Bệnh tích
– Khi chết, xác gà vẫn béo. Bị tụ huyết nên cơ bắp tím bầm, thịt nhão. Ở dưới da thấm dịch nhớt keo nhày.
– Khi mổ xác thấy tim sưng, xoang bao tim trương to chứa dịch thẩm xuất màu vàng. Lớp mỡ vành tim bị xuất huyết.
– Phổi tụ máu, viêm phổi, màu nâu sẫm có thể chứa dịch viêm màu đỏ nhạt, phế quản chứa nhiều dịch nhớt có bọt màu vàng.
– Gan hơi sưng, thoái hóa mỡ. Các nốt hoại tử xuất hiện trên bề mặt gan. Có màu trắng xám hoặc vàng nhạt, to bằng đầu đinh ghim, đầu mũi kim.
– Lách bị tụ máu, hơi sưng
– Niêm mạc ruột bị tụ máu, chảy máu và viêm. Phía trên được che bởi các đám fibrin màu đỏ sẫm.
– Viêm lan từ phúc màng đến buồng trứng và ống dẫn trứng. Nhiều trường hợp có hiện tượng viêm khớp. Các khớp xương sưng to chứa nhiều dịch thẩm xuất màu xám đục
Phòng bệnh
– Cần tiêm phòng vắc-xin từ lúc gà được 1 tháng tuổi để phòng bệnh. Có thể sử dụng VẮC XIN VÔ HOẠT TỤ HUYẾT TRÙNG GIA CẦM 0,5ml/con do CÔNG TY CỔ PHẦN THUỐC THÚ Y TRUNG ƯƠNG NAVETCO sản xuất.
– Đồng thời chuồng trại, thiết bị chăn nuôi phải được vệ sinh sạch sẽ. Phun khử trùng trong, ngoài chuồng nuôi theo định kỳ. Khoảng 1-2 tuần/ lần.
– Chăm sóc nuôi dưỡng tốt. Nâng cao sức đề kháng cho gà bằng cách thường xuyên bổ sung các loại thuốc bổ, men tiêu hóa.
– Vào thời điểm giao mùa, phòng bệnh cho gà bằng kháng sinh. Có thể dùng những loại sau: BIO AMOXICILLIN 50%, BIO AMOXYCOLI, BIO AMPII COLI MAX….
Điều trị bệnh tụ huyết trùng ở gà
Khi mới phát hiện bệnh cần điều trị sớm để đạt hiệu quả nhất. Tránh trường hợp bệnh chuyển sang thể mãn tính làm giảm hiệu quả điều trị.
Phác đồ 1: Pha vào nước uống hoặc trộn vào thức ăn một trong các loại sau:
– BIO AMOXICILLIN 50% hoặc AMPI COLI (Hàn Quốc) : 100GR / 1 tấn gà / lần – ngày 2 lần (liên tục 3 – 5 ngày)
– hoặc BIO AMOXYCOLI : 100 GR / 700kg – 800kg gà / lần – ngày 2 lần (liên tục 3 – 5 ngày)
– hoặc BIO AMPICOLI MAX : 100 GR/500- 700 kg gà/ lần – ngày 2 lần (liên tục 3 – 5 ngày)
Kết hợp thêm vitamin, men tiêu hóa, giải độc gan thận để tăng sức đề kháng cho gà nhanh khỏi bệnh hơn có thể sử dụng: PERMASOL, NOPSTRESS… giải độc gan thận: SUPERLIVE, HAN SOBITOL, BIO SORBITOL…liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Phác đồ 2 : Trong những trường hợp gà bị chết nhanh, để điều trị kịp thời, hạn chế thiệt hại thì người chăn nuôi nên tiêm cho toàn đàn bằng 1 trong những loại thuốc sau:
– LINSPEC 5/10 hoặc LINCOSEPTOJECT: 1ml / 3-4 kg gà, ngày 1 lần (3 ngày liên tục)
– UV SIGEN: 1ml / 6 kg gà, ngày 1 lần (3 ngày liên tục)
– VIDAN T: 1ml / 3-4 kg gà, ngày 1 lần (3 ngày liên tục)
– CEFTIKETO: 1ml / 4-5kg gà, ngày 1 lần (3 ngày liên tục)
Chú ý: Sau khi tiêm 3 ngày liên tục nên cho gà uống hoặc trộn thức ăn một trong những loại thuốc ở Phác đồ 1 thêm 2-3 ngày để chắc chắn gà khỏi bệnh hoàn toàn và không bị tái phát.
Các bạn có thể xem thêm các bệnh khác thường gặp ở gia cầm tại KLT.
Nguồn: thuoctrangtrai.com